Ngày đăng: 12:06 PM 27/11/2015 - Lượt xem: 2125
NHẬT KÍ CHƯƠNG TRÌNH
( Sau 2 tháng thực hiện)
Sau hai tháng thực hiện chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt, tuy mới chỉ có mấy mươi ngày nhưng nỗi niềm đọng lại trong lòng những người làm chương trình chúng tôi quả thật không ít.. Càng đi nhiều, càng sửa được nhiều xe gắn máy cũ cho người nghèo thì chúng tôi lại càng thấy mình chưa làm được bao nhiêu. Ngoài kia, còn quá nhiều những mảnh đời nghèo khổ, bế tắc. Đến nỗi ngay cả chiếc xe máy – phương tiện mưu sinh chủ yếu của cả gia đình cũng không được lành lặn.
Nhân vật được chương trình chọn để làm số đầu tiên cũng là một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho chúng tôi. Đó là chú Đỗ Văn Thành ở phường 15, quận Gò Vấp. Nhà nghèo quá, ngay cả nhà cửa đàng hoàng cũng không có, phải ở nhờ trong một túp lều nhỏ thuộc khuôn viên nhà của hàng xóm. Và cũng vì cái nghèo mà hai vợ chồng chú cũng ly tán, mỗi người một nơi. Tân trang chiếc xe Honda Dame cũ kĩ, thường hay hỏng hóc của chú Thành thành một phương tiện mưu sinh lành lặn và tặng chú thùng nhớt Nikko 12 chai dùng trong một năm là nỗ lực của những người làm chương trình, mong sao nhờ đó mà chặng đường mưu sinh của chú được suôn sẻ hơn.
Nhân vật ở chương trình thứ 3 – chú Lê Xuân Đạt cũng là một trong những nhân vật đáng nhớ nhất đối với những người làm chương trình. Người đàn ông gần 60 tuổi ấy đã đạp xe hơn 2 tiếng đồng hồ từ nhà ở quận Bình Tân đến đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM để nhờ sửa chiếc xe Honda Cup đã quá cũ, không thể chạy được nữa. Giao xe ở tiệm sửa xe Đức Tĩnh, trong mấy ngày chờ được tân trang, chiều nào chú cũng ghé vào tiệm, chỉ để nhìn chiếc xe của mình được thay da đổi thịt, và không quên “nhắn gửi” với chủ tiệm sửa xe: “mấy chú sửa giùm tui, tui không biết gì hết, cái xe này là người ta cho tui tiền để sửa đó, chứ tui không có tiền để trả mấy chú đâu”. Rồi còn mấy chiếc ruột xe mà chú Lê Hồng Phong đã tặng chúng tôi nữa. Nài nỉ hoài để trả lại mà chú cứ kiên quyết không lấy, rơm rớm nước mắt, chú bảo “cô chú chê nhà tui nghèo không có quà cáp gì nhiều nên chê phải không?”, khiến chúng tôi cứ thấy không nỡ. Những con người thiếu thốn vật chất nhưng lúc nào cũng chan chứa tấm lòng.
Những ngày rong ruổi xuống huyện nghèo Cần Giờ của TPHCM, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều người mà có thể sẽ không thể nào quên được – những con người nghèo khổ nhưng tốt bụng và chất phác. Ở đây có chú Trần Văn Thiều – người đã bỏ cả ngày làm và đến sớm gần 4 tiếng đồng hồ để đợi chúng tôi vào ngày giao xe cho chú, chỉ vì “tui phải chờ chương trình, chứ sao lại để chương trình chờ mình được chứ”. Ở đây còn có món trà đá đường của cô Gái Xiếu – những ly nước mát lạnh kì lạ giữa trưa hè nắng nóng như đổ lửa.
Đặc biệt trong chuyến đi này, quan trọng nhất là chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của chị Nhung – chuyên trách ban giảm nghèo. Ở Cần Giờ, khoảng cách từ xã này đến xã kia cũng xa như từ quận này đến quận khác trong trung tâm thành phố. May sao chúng tôi được chị dẫn đường tận tình. Chị không ngần ngại đi cùng cả chặng đường dài vào khảo sát nhiều gia đình và thực hiện thu âm hàng giờ liền. Chị cũng kiêm luôn việc làm “liên lạc viên” cho chúng tôi. Mỗi khi đến một xã, chị sẽ gọi điện thoại cho người phụ trách các hộ khó khăn ở xã đó để giới thiệu cho chương trình. Sự tốt bụng, nhiệt tình và lòng tận tâm của chị Nhung đối với người nghèo cứ làm chúng tôi lưu luyến mãi khi rời mảnh đất Cần Giờ nghèo khó.
Cần Giờ còn nghèo, nghèo lắm. Những con đường dài hun hút, hai bên hoang vắng không một mái nhà đã đưa chúng tôi đến với những hoàn cảnh mà cuộc sống của họ nghèo khổ và đơn điệu đến tội nghiệp. Đất rộng người thưa, không có xí nghiệp hay nhà máy, đàn ông đàn bà quanh quẩn chỉ có vài ba cái nghề tạm bợ: làm thuê làm mướn, phụ hồ, bắt cua, mò nghêu… Mà nghề nào cũng bạc bẽo, bữa có bữa không, tiền bạc làm ngày nào ăn ngày đó. Cái đói, cái nghèo ở đây như gieo vào lòng chúng tôi một nỗi buồn khó gọi thành tên. Sửa xong hai chiếc xe cho chú Thiều, anh Chín và cô Nuôi, chia tay Cần Giờ, chia tay những con người chân chất nơi đây rồi mà không hiểu sao vẫn không nghe lòng nhẹ nhõm vì đã hoàn tất công việc? Vẫn mong lắm một ngày được gặp lại!
Và còn nhiều, nhiều những trường hợp xúc động khác nữa… Có những nụ cười trong chua chát, có những giọt nước mắt trong mừng vui, có những lời cảm ơn trong xúc động… tất cả những cảm xúc ấy gắn chặt trong tâm trí chúng tôi suốt từ những ngày đầu thực hiện chương trình cho đến tận bây giờ.
Ngày đi trao xe là phần đặc biệt nhất của chương trình. Nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của các nhân vật khi nhận lại chiếc xe được tân trang mới tinh và phần quà từ nhà tài trợ, chúng tôi cảm nhận được một niềm hạnh phúc giản đơn: chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt đã làm được một điều gì đó. Nhỏ thôi, nhưng vô cùng ý nghĩa. Ít nhất là họ – những gia đình nghèo Việt Nam điển hình đã vơi bớt được một nỗi lo, nỗi lo về chiếc xe gắn máy – phương tiện mưu sinh của cả nhà cứ “trở bệnh” mỗi khi “trái gió trở trời”. Thậm chí, có những chiếc xe phải nằm lì ở xó nhà bao nhiêu năm chỉ vì chủ nhân của nó không có tiền để sửa chữa, như xe của chú Lê Xuân Đạt ở quận Bình Tân, chú Hồ Văn Bon và cô Nguyễn Thị Tuyết ở quận 9, anh Nguyễn Công Soan và chị Dư Thị Nam…
Niềm vui lớn nhất của chương trình là sau khi phát sóng mỗi số, chúng tôi thường xuyên nhận được nhiều sự đóng góp, ủng hộ của quý thính giả nghe đài, các mạnh thường quân – những tấm lòng hảo tâm thật sự. Như hai vợ chồng chú Lê Văn Thanh và cô Đoàn Thu Hà ở xã Hoà Phú, huyện Củ Chi chẳng hạn. Nghe chương trình, chú Thanh và cô Hà thấy thương lắm những mảnh đời khó khăn hơn mình. Nhưng gia đình cô chú cũng không giàu có gì, không có tiền để giúp đỡ, hai vợ chồng đã đóng góp chiếc xe máy cũ của mình cho chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt, mong sao tấm lòng của mình có thể giúp ích được một phần nào. Rồi còn có những thính giả gần xa gửi thư về hoặc trực tiếp đến đài Tiếng nói nhân dân thành phố chỉ để trao tặng vài trăm ngàn đồng, hay giúp tạo cơ hội việc làm cho những đối tượng thất nghiệp trong chương trình. Tính đến ngày 20/8, chương trình đã nhận được sự giúp đỡ của 9 tấm lòng vàng. Chẳng hạn như thính giả Nguyễn Quý Hoà ở quận 5, đã tặng chương trình 100 USD. Hay thính giả Thân Lương ở quận Tân Phú đã ủng hộ chú Hồ Văn Bon 500.000đ vì thương cảnh hai vợ chồng già tàn tật phải kiếm sống từng đồng bằng nghề sửa xe đạp. Một trong những tấm lòng đáng quý nữa là bác sĩ Nguyễn Văn Khôi – phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy nhận mổ cho con trai chú Hồ Văn Bon đồng thời cho biết Bệnh Viện Chợ rẫy sẽ hỗ trợ khám chữa bệnh cho các nhân vật trong chương trình… Của ít lòng nhiều, với tinh thần lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no, bao nhiêu sự giúp đỡ là bấy nhiêu cái nghĩa, cái tình.
Sau khi chương trình phát sóng, chú Ngô Văn Lượng được các vị thính giả hảo tâm gửi tặng thêm 1,1 triệu đồng.
Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt sẽ còn một chặng đường dài trước mắt nữa. Nhìn lại những gì đã qua trong hai tháng, chúng tôi biết mình chưa có gì nhiều để tự hào và sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để đến gần hơn với những người nghèo, để chặng đường mưu sinh của họ vơi bớt đi phần nào vất vả./.