Ngày đăng: 05:22 PM 28/11/2015 - Lượt xem: 3516
Chiều đến, đám trẻ con tung tăng đùa giỡn, chơi trốn tìm, ô quan ngay trên những nấm mồ; cạnh đó người lớn vui vẻ ngồi hóng mát, uống rượu, đánh bài; vài phụ nữ đang gội đầu, tắm rửa cho con.
Người dân địa phương kể, lúc trước, nơi đây vốn là một khu nghĩa trang u uất không bóng người. Song khoảng vài chục năm trở lại đây, một số người dân nhập cư nghèo từ khắp nơi tìm đến khu vực này kiếm kế sinh nhai với đủ mọi nghề từ thợ hồ, bán vé số, nhặt ve chai… Họ khai hoang khoảng đất trống giữa những ngôi mộ rồi dựng tạm mái nhà che nắng, che mưa. Từ đó “xóm gò mả” ra đời, nằm ở cuối con hẻm cụt men theo dòng kênh Rạch Lào đen ngòm (khu phố 4, phường 15, quận 8, TP HCM).
Trong khoảng đất nghĩa trang chừng 300m2, những túp lều xiêu vẹo nằm ngổn ngang bao bọc xung quanh khiến cho người ta đến đây không còn nhận ra đâu là nhà, đâu là mồ.Những người lần đầu tiên đặt chân đến đây không khỏi rùng mình bởi không gian lạnh lẽo đầy âm khí, song với người dân trong xóm vốn sinh ra đã quen sống chung với mồ mả thì dường như chẳng còn khoảng cách giữa người sống và kẻ chết. Đất chật, người đông, con nít thiếu sân chơi nên suốt ngày chỉ quanh quẩn bán đồ hàng, xúc đất bên những ngôi mộ. Người lớn thì tận dụng các bia đá để phơi quần áo, mùng mền. Những chiếc xe, bàn ghế dựng ngả nghiêng ở lối đi giữa những nấm mồ.
Ở đây chỉ có gia đình bà Thạch Thị Hồng, 52 tuổi, được xem là “tươm tất” nhất xóm vì nhờ có ông làm phụ hồ thu nhập tương đối ổn định. Các con của bà cũng lớn và đã yên bề gia thất nên gia đình không còn phải chịu cảnh chạy gạo từng bữa như nhiều hộ ở đây.
Bà Hồng cho biết, 30 năm trước, gia đình bà sống ở An Giang nghèo khổ, làm lúa không đủ ăn nên dắt díu nhau lên Sài Gòn lập nghiệp. “Hồi đó mua chỗ đất này rẻ lắm, làm nhà ngay bên cạnh nghĩa địa cũng sợ, nhưng nghèo quá đành phải chịu. Ở mãi rồi quen, tự nhiên xóm có cái ‘sân’ cho lũ trẻ chơi, rồi lâu lâu tụi tui cũng tổ chức tiệc liên hoan ở ngoài đó!”, bà vui vẻ chỉ tay ra khoảng không bên ngoài được định vị bởi hàng chục ngôi mộ lớn nhỏ, rong rêu phủ kín.
Cùng chung cảnh ngộ như thế, người xóm này đa phần là dân di cư miền Tây bỏ quê lên thành phố tha phương cầu thực nhưng vẫn cảnh khổ cực, không có lấy một tấc đất cắm dùi. Hiếm hoi lắm mới có gia đình ở đây có giấy tờ nhà, còn lại là ở thuê, ở “nhảy dù” hoặc mượn đất của người quen sống tạm. Nước sinh hoạt thì không thể dẫn vào tận xóm, đào giếng lại càng không thể, nên họ chỉ còn cách mua lại nước từ những hộ sống bên ngoài xóm với giá cắt cổ từ 12.000 đến 15.000 đồng một mét khối.
Chị Kiều (làm công nhân xí nghiệp) kể, lấy chồng từ khi tròn 18 tuổi. Cả ba đời nhà chị đều sống ở nghĩa trang này. Hiện ba mẹ cũng ở ngay bên cạnh, khi chị lấy chồng, ba mẹ chị đành phải “thu hẹp” gian nhà cũ để dành cho hai vợ chồng chị một mái ấm độc lập.Khó khăn nhất ở đây là gia đình chị Kiều. Chiếc lều tạm bợ của vợ chồng anh chị làm ngay bên cạnh hai ngôi mộ màu xanh. Bốn bức tường nhà được quây lại bởi những tấm liếp tre ọp ẹp, mái nhà làm bằng những tấm tôn đã gỉ màu mà chồng chị xin được khi đi làm phụ hồ. Nền nhà thì chắp vá bằng những viên gạch bể, đất mấp mô. Thứ tài sản duy nhất có giá trị trong nhà chị Kiều là chiếc tivi Sam Sung đời cũ.
Mới 24 tuổi chị đã có đến 3 mụn con, đứa nhỏ nhất mới được 6 tháng tuổi. Vì phải nghỉ sản để sinh em bé, chồng chị lại không thường xuyên có việc nên cuộc sống gia đình khó khăn, thiếu ăn thường xuyên. Dân trong xóm thấy tội nghiệp nên thường góp tiền mua sữa để chị pha cho con uống.
“Bước đường cùng mới phải sống chung với người chết chứ có ai muốn sống như thế này đâu. Ở đây đi ra đi vào lúc nào cũng đụng mả, thậm chí đêm ngủ, mở mắt ra là nhìn thấy mả. Người lớn sống riết rồi quen, chỉ tội lũ trẻ, ngay cả nước sạch cũng không có dùng”, chị Kiều bùi ngùi kể.
Bé Vinh, 7 tuổi, con lớn của chị Kiều hàng ngày phải đi nhặt ve chai còn đứa thứ hai (5 tuổi) thì sang phụ ông ngoại lựa bịch ni lông khoán 2.500 đồng một ký. “Lúc thằng Vinh lên 6, cũng có người vào động viên cho nó đi học. Nhưng chỉ tính riêng tiền sách vở đã tới 600.000 đồng, chưa kể học phí, tiền cơ sở vật chất nữa. Nghĩ muốn cho con biết đọc biết viết nhưng cơm không đủ ăn thì nói gì đến học..!”, người mẹ trẻ bần thần.Khu nghĩa trang này hiện có hơn 30 hộ tá túc, với hơn chục trẻ trong độ tuổi đến trường, nhưng phần lớn đều phải bỏ học để bán vé số, nhặt ve chai và ni lông để phụ cha mẹ. Đa phần các em đều mắc các bệnh khó chữa như hen suyễn, tim, phổi… song cha mẹ chúng cũng không lý giải được tại sao.
Cũng sống ở khu gò mả này, gia đình anh Dũng chị Hạnh có ba người con, đứa lớn nhất 11 tuổi và đứa nhỏ nhất lên 6, nhưng cả ba đều chịu chung cảnh mù chữ. Ông bố làm thuê lương ba cọc ba đồng, việc lúc có lúc không, còn người mẹ mỗi ngày quốc bộ hàng chục cây số đi bán vé số dạo. Họ chỉ kiếm đủ chi phí cho gia đình hàng ngày, nên không thể cho con đến trường. Bé Ngọc Hân, con gái lớn của anh Dũng tâm sự: “Có lần con ra đường con thấy các bạn đi học, về nhà đòi mẹ cho đến trường nhưng bị mẹ la là không biết thương ba mẹ, từ đó con cũng không còn ý định đi học nữa”.
Nghèo, thất học lại hoàn nghèo, cái vòng luẩn quẩn ấy bao riết lấy hơn trăm con người trong xóm nghĩa địa này mà chưa có lối thoát.
Theo Vnexpress